MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC GIẢI PHÁP NÂNG CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN
ĐẶNG TỰ ÂN –Giám đốc Quỹ VIGEF, Nguyên Vụ trưởng Vụ GDTH
Tạp chí Dạy và Học ngày nay của TW Hội khuyến học Việt Nam-Tháng 11-2020
The Happy Schools Project is considered as a global initiative with a further vision of traditional learning areas with an emphasis on the interconnections between Happiness and Quality of Education. The Project adopts an approach towards building people with positive attitudes in order to gain their happiness, and this is seen as the key to unlocking the door to the castle of Happy Schools.
Keywords: Happiness; Criteria.
Summary
The Happy Schools Project is considered as a global initiative with a further vision of traditional learning areas with an emphasis on the interconnections between Happiness and Quality of Education. The Project adopts an approach towards building people with positive attitudes in order to gain their happiness, and this is seen as the key to unlocking the door to the castle of Happy Schools.
Keywords: Happiness; Criteria.
Tóm tắt bài viết
Dự án Mô hình Trường học Hạnh phúc như một sáng kiến toàn cầu với tầm nhìn xa hơn về các lĩnh vực học tập truyền thống, đặc biệt xem xét mối quan hệ tương tác giữa Hạnh phúc và Chất lượng giáo dục. Dự án tiếp cận theo hướng xây dựng con người có thái độ sống tích cực để có hạnh phúc và được coi là chìa khóa mở cánh cửa đi đến lâu đài Trường học Hạnh phúc.
Từ khóa: Hạnh phúc; Tiêu chí.
Trường học Hạnh phúc (Happy Schools) viết tắt là THHP được tổ chức UNESCO khuyến cáo vào đầu năm 2017, dưới báo cáo thường niên: “Trường học hạnh phúc: Khuôn khổ cho người học ở Châu Á-Thái Bình Dương. Từ cảm hứng của báo cáo, TS Kim Gwang Jo, Giám đốc UNESCO khu vực tại Bangkok (Thái Lan) đã nghiên cứu và xây dựng Dự án Mô hình THHP nhằm kêu gọi thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục các quốc gia, theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
I. BỐI CẢNH RA ĐỜI MÔ HÌNH THHP
1. Xu thế toàn cầu.
Vào những năm đầu thập niên thứ 2 thế kỷ mới, Liên hợp Quốc kêu gọi các quốc gia cần coi hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người, là thước đo chính xác cho tiến bộ xã hội và các mục tiêu chính sách công của các nước trên toàn cầu. Minh chứng là vào năm 2013, Liên hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 20-3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Giáo dục thế giới, đã lập tức đưa ra ngay câu hỏi: hạnh phúc cá nhân của học sinh sao không thể lấy nó làm thức đo thành tích và chất lượng các nhà trường?
Giáo dục cần hướng người học tới các giá trị tinh thần, tới lòng tốt và biết ơn, tới tính kiên trì và tinh thần cộng đồng. Các quốc gia cần định vị lại trường học, thay vì chỉ chú trọng dạy học theo tư duy logic, giải quyết vấn đề là cần phát triển các giá trị của cảm xúc hạnh phúc, nâng cao năng lực hợp tác trong quá trình học tập và làm việc.
GS. Peck Cho (Hàn Quốc), Chuyên gia về THHP đã nhắc đến nền giáo dục nhiều sự “giận dữ”. Đó là một nền giáo dục mà học sinh luôn luôn và phải ghi nhớ, phân tích, xử lý dữ liệu quá nhiều. Ngày nay sự ghi nhớ không còn là cái để đánh giá năng lực của học sinh nữa mà cần cảm xúc, sự sáng tạo của người học. Thực tiễn đã chứng minh, việc các nước đưa Mô hình THHP vào nhà trường dưới dạng lồng ghép vào các mô hình dạy học đổi mới khác thì thành tích học tập của học sinh được tăng lên 10-12%.
2. Quy luật tâm lý học
(i). Bốn chỉ số để đánh giá năng lực. Năng lực con người cần quan tâm các yếu tố cấu thành các chỉ số đánh giá CQ, AQ, IQ, EQ. Tất cả 4 yếu tố này tạo thành hệ sinh thái của Năng lực. Đánh giá năng lực người học không thể thiếu chỉ số Cảm xúc EQ, nhằm đánh giá về tinh thần, tâm hồn của con người là bản chất của Mô hình THHP.
(ii). Tháp nhu cầu Maslow. Maslow đã diễn đạt bằng 5 tầng của “Tháp nhu cầu”, trong đó các nhu cầu ở tầng thấp hơn cần được thoả mãn trước. Các tầng dưới có thể coi như là nền cho tầng trên và nên được ưu tiên khi xây dựng các tầng cao hơn. Đáp ứng nhu cầu các thành viên trong trường, cũng chính là mục tiêu mang lại hạnh phúc cho mọi người trong Mô hình THHP.
3. Khái niệm Mô hình THHP.
Mô hình THHP phải hướng tới xây dựng và phát triển một nhà trường đổi mới, đó là THHP. Theo chúng tôi: THHP mà ở nơi đó mọi người đều được sống hạnh phúc, trong đó hạnh phúc của người học được coi là mục tiêu cao nhất. Hay có thể hiểu, THHP là ngôi trường mà ở đó giáo viên hạnh phúc và học sinh được phát triển toàn diện, trở thành chính mình, trong một môi trường học tập an toàn, thân thiện và nhiều tình thương.
Giáo sư Hà Vĩnh Thọ (Nguyên Giám đốc Trung tâm Tổng hạnh phúc Quốc gia Bhutan) đã nói:“Có thể hiểu, THHP là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh. THHP là nơi để thầy cô và các em học sinh có cơ hội gần gũi, giao tiếp với nhau thông qua sự sẻ chia, thấu cảm và yêu thương; cũng là mái nhà chung, ở đó mỗi ngày đến trường là một niềm hạnh phúc. Đôi khi hạnh phúc cũng chỉ là những việc làm hữu ích thầm lặng, những niềm vui nho nhỏ, những nụ cười, những ánh mắt thân thương”.
II. HẠNH PHÚC MỖI NGƯỜI LÀ CÁI GỐC TẠO RA THHP
Từ việc có con người hạnh phúc, giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc và THHP, sẽ cho ta một cộng đồng, một xã hội và cả đất nước hạnh phúc. Con người có cảm xúc để có trạng thái hạnh phúc cho chính họ và rồi lan tỏa cho mọi người. Do đó cái gốc tạo THHP chính là làm thế nào để con người có hạnh phúc và cách duy trì được cảm xúc hạnh phúc đó.
1.Tư duy tích cực.
Là khi nhìn sự việc, vấn đề luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt và sẵn sàng đón nhận những thử thách trong cuộc sống với thái độ hướng thiện. Như thế, tư duy tích cực liệu có phải thiếu thực tế hay nhìn đời luôn màu hồng hay lạc quan tếu. Trong khi thực tế lại quá nhiều bức xúc, lo âu, chỉ trích, than phiền hay đổ lỗi. Trong trường hợp này chúng ta hãy bình tĩnh để phân tích, tổng hợp, tìm căn nguyên để rồi với thái độ sống của mình để có tư duy tích cực. Người ta có thể rèn luyện được kỹ năng tư duy tích cực để có giá trị sống hay cái nhìn về cuộc đời và sự sống của mỗi con người.
Giá trị của tư duy tích cực. Hoạt động tư duy của con người bao giờ cũng tiêu tốn calo tâm trí. Riêng tư duy tích cực còn kích hoạt các chức năng sinh lý khác từ đó tạo ra sự hưng phấn, vui vẻ, sảng khoái, yêu đời, tự tin, sáng suốt (đấy là sự nạp thêm năng lượng). Giúp cá nhân tự khám phá, phát huy tiềm năng của nội lực cá nhân của mình. Là nguồn sáng tạo của mỗi con người, góp phần vào sáng tạo chung của cộng đồng, xã hội và của nhân loại. Giúp xã hội sức mạnh đầy quyền lực và lấn át tư duy tiêu cực mà không cần sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Suy nghĩ tích cực là sự bắt đầu của tư duy tích cực. Suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động của tư duy tích cực hay tiêu cực. Hạt giống sẽ đơm hoa kết trái để tạo ra hương vị riêng biệt. Suy nghĩ có thể cho ta sự sáng tạo hay phá hủy, yêu thương hay thù hận, nâng đỡ hay vùi dập. Thực tế, thái độ của chúng ta trước những điều bên ngoài phụ thuộc vào cách suy nghĩ từ bên trong chúng ta.
2. Cảm xúc tích cực
Cảm xúc là phản ứng, là sự rung động của con người trước tác động của yếu tố hay sự kiện quan trọng bên trong và bên ngoài. Hay đơn giản là một tín hiệu truyền tải thông tin từ não bộ đến các cơ quan của cơ thể con người. Paul Eckman, vào năm 1970 đã xác định được 6 loại cảm xúc cơ bản mà ông cho rằng đã được trải nghiệm ở tất cả các nền văn hóa trên thế giới, bao gồm: hạnh phúc, buồn bã, ghê tởm, sợ hãi, ngạc nhiên và giận dữ.
Cảm xúc tích cực. Là cảm xúc vui, ngược lại buồn là cảm xúc tiêu cực. Tại trường học, những cảm xúc này có được khi giáo viên đạt được mục tiêu dạy học, hoặc nhận được lời khen, động viên từ Hiệu trưởng. Tương tự học sinh có cảm xúc tích cực khi giáo viên có ứng xử văn hóa với các em.
3. Cảm xúc hạnh phúc
Theo trên, cảm xúc hạnh phúc là 1 trong 6 cảm xúc cơ bản. Do đó, Cảm xúc hạnh phúc - gọi tắt là hạnh phúc là một trạng thái mà con người ta cảm thấy dễ chịu nhất, với đặc trưng bởi cảm giác của sự mãn nguyện, niềm vui, sự hài lòng hay thỏa mãn . . . cả về thể xác và tinh thần. Giống như tư duy tích cực, hạnh phúc là lẽ sống hay giá trị sống. Hạnh phúc là một lựa chọn chứ không phải là đích đến. Chính cảm giác bên trong của chúng ta tạo ra hạnh phúc. Người ta nói “Gieo tính cách, gặt số phận”.
3.1. Hạnh phúc có được từ tư duy tích cực.
Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý tức thời, phức tạp do cảm nhận của con người đan xen. Khi học sinh nhận thấy hạnh phúc sẽ giúp não tập trung chú ý, tăng thêm đam mê và thôi thúc các em thực hiện các hoạt động học sáng tạo, đạt được mục tiêu học tập tốt nhất. Hệ sinh thái của tư duy tích cực gồm các thành tố: Suy nghĩ tích cực; Trải nghiệm hoặc tình huống; Cảm xúc tích cực; Hành động tích cực; và có Hạnh phúc.
Hạnh phúc có tính lan truyền. Chương trình “Cặp lá yêu thương” luôn đem lại hạnh phúc cho những mảnh đời khốn khó và đã lan tỏa lòng trắc ẩn cho bao người đã xem chương trình. Từ hệ sinh thái Tư duy tích cực có thể thấy “Khi con người ta có tư duy tích cực sẽ nhận được hai lần hạnh phúc”.
3.2. Hạnh phúc do ta tạo ra nên nó là của ta. Theo Chuyên gia Nguyễn Diệu Hoa "Hạnh phúc là một trạng thái của tâm trí, có thể được tạo ra bởi những cảm xúc tích cực, tốt đẹp và quan trọng nhất có thể được tạo ra bởi chính mỗi chúng ta. Cảm xúc của chúng ta chính là kết quả của những suy nghĩ từ bản thân". “ Đời người buồn qua 1 ngày mà vui cũng qua 1 ngày ”, vậy sao không chọn hạnh phúc mà sống? Chúng ta cũng cần khám phá những điều khiến chúng ta không vui và tìm cách tránh những điều đó. Hạnh phúc là cảm xúc, nên nó từ ngoài vào và tồn tại trong ta bởi giới hạn thời gian và không gian. Cùng với lý trí, chúng ta cũng hoàn toàn có thể rèn luyện, đào tạo để mọi giáo viên và tất cả học sinh đều biết cách tìm ra hạnh phúc và đều được hưởng hạnh phúc.
III. HIỆU TRƯỞNG LÀ NGƯỜI DẪN DẮT LAN TỎA HẠNH PHÚC TRONG TRƯỜNG
Mong muốn có được một ngôi trường mà ở đó mọi người đều có được cảm giác sung sướng vì đạt được ý nguyện. Điều quan trọng nhất là giáo viên hạnh phúc để họ có thể mang hạnh phúc đến cho học sinh theo kiểu nhân quả, trong đó Hiệu trưởng là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo.
Nghề giáo vốn dĩ là nghề khó thay đổi nhất vì bản chất có tính “bảo thủ” và tính kiên định của người giáo viên. Làm thay đổi giáo viên đã khó, nhưng muốn làm Hiệu trưởng thay đổi thì khó vô cùng. Qua thực tế có thầy cô thất bại, bỏ cuộc và thừa nhận không thể thay đổi được vì khó khăn, không được sự ủng hộ. Thật đúng “một cánh én không làm nên mùa xuân”.
Muốn có sự thay đổi Hiệu trưởng phải đi đầu và cần quan tâm đồng thời 3 yếu tố, đó là quan hệ giữa các con người, môi trường làm việc và phong cách làm việc trong trường. Cụ thể, 6 nội dung cơ bản dưới đây:
1. Hiệu trưởng trước hết phải là người có hạnh phúc để lan tỏa hạnh phúc
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, Hiệu trưởng là người tiên phong, là linh hồn của trường. Hiệu trưởng có hạnh phúc, hạnh phúc ấy sẽ lan tỏa tới thầy cô, sẽ đem đến hạnh phúc cho học sinh, cho CMHS và nhiều người trong xã hội. Hiệu trưởng hãy “Ăn gì bổ nấy”, nghĩa là chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta giữ lấy trong nhận thức. Hãy “ăn” những suy nghĩ tích cực, sẽ giúp những điều tốt đẹp được phát triển trong con người mỗi Hiệu trưởng.
2. Thân thiện, cởi mở và trân trọng trong giao tiếp với mọi người
Hiệu trưởng luôn phải giao tiếp với mọi người, rất cần rèn luyện văn hóa giao tiếp. Người ta nói “Lời nói chẳng mất tiền mua”. Những câu chuyện trước giáo viên, Hiệu trưởng cố gắng nên dùng đại từ ngôi thứ nhất số ít (tôi). Điều này có tác dụng rất lớn tới niềm tin và sự hấp dẫn cho người nghe vì nó chứng tỏ rằng Hiệu trưởng là người trải nghiệm của câu chuyện. Tuy nhiên trong trường Hiệu trưởng dùng mệnh đề: “ Tôi chỉ đạo giáo viên…/Tôi bắt giáo viên phải làm …”, sao không thay bằng: “Chúng tôi đã thảo luận và thống nhất làm…/ Chúng tôi đã bàn bạc với nhau và cùng đưa ra ý kiến.”, sẽ dân chủ, dễ nghe và không thấy áp đặt với giáo viên.
3. Hãy kiếm tìm hạnh phúc từ những việc làm nhỏ bé
Các chuyên gia chỉ ra rằng, khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học, học sinh sẽ hạnh phúc. Nếu không giáo viên không còn sức đâu nghĩ đến THHP. Trường học với bầu không khí căng thẳng và bất an thì THHP chỉ là điều viển vông. Để làm được những điều lớn lao, cao xa, thì ngay từ bây giờ, mỗi thầy cô, cán bộ quản lý cần học cách làm những việc nhỏ bé, bình thường như: bình tĩnh lắng nghe; đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc; chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc; gọi tên cảm xúc; sẵn sàng nói lời xin lỗi; kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp.
Tâm sự của Hiệu trưởng “Nghĩ việc gì tốt thì mình cứ làm đã, chứ để vươn tới hạnh phúc chắc còn xa lắm”. Những việc tốt mà thầy Hiệu trưởng đã và đang thực hiện nhằm đem đến cho học sinh một môi trường thân thiện, sáng tạo, phát triển toàn diện, cũng gián tiếp truyền cảm hứng cho đội ngũ, giáo viên. Những lời khen, ghi nhận tích cực của phụ huynh, tâm lý thoải mái, vui vẻ của thầy cô giáo, giúp vị Hiệu trưởng càng thêm hạnh phúc và hứng khởi.
4. Theo đuổi mục đích học tập là giúp trẻ phát triển
Thầy cô cũng cần cho phép sự sai lầm, nên hoan nghênh những em đã mắc lỗi thay vì giáo viên chê bai, cho điểm kém. Trong rất nhiều chọn lựa, chúng ta hãy luôn chọn để trở nên học tập tích cực. “Tôi thà biết vài câu hỏi còn hơn biết tất cả những câu trả lời đúng”. Điều này chỉ đúng trong một chừng mực nào đó. Công thức “Sáng tạo = EQ+IQ” là hoàn toàn đúng. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi, nền giáo dục cũng cần thay đổi để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai. Ước tính có 70% công việc mới sản sinh từ 2020-2030 và 80% công việc sẽ biến mất trong 10 năm nữa. Học sinh tương lai có thể thông minh nhưng phải biết phối hợp với tập thể trong sáng tạo, chúng sẽ tạo ra kỹ năng cảm xúc xã hội. Nền giáo dục “phát điên, giận dữ” sẽ không được chấp nhận nữa. Giáo sư Peck Cho nêu: “nền giáo dục giận dữ sẽ “giết chết” sức sáng tạo của học sinh”. Do vậy, xây dựng THHP không chỉ cấp thiết cho hiện tại mà cả cho tương lai.
5. Kiến tạo nhà trường, tự chủ, dân chủ và giảm áp lực cho giáo viên, học sinh
Khi cơ chế còn nặng xin, cho, ban phát ân huệ, làm việc theo cảm tính thì hệ quả sẽ tạo ra những giáo viên câm nín, không dám có ý kiến trái chiều. Vì thế, xây dựng môi trường học đường ấm áp, thân thiện, an toàn, dân chủ, không bị “bắt nạt” không chỉ có ý nghĩa với học sinh mà với cả giáo viên, nhân viên. Giáo viên với giáo viên phải cư xử sao cho cùng hạnh phúc, không có kẻ thắng người thua, không gây tổn thương cho đồng nghiệp. Trao đổi bài dạy theo phương pháp “Nghiên cứu bài học” là nhân văn nhất.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hòa ( Trường Liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm HN) nói: Mỗi học sinh là một hoàn cảnh, mỗi lớp có mạnh yếu khác nhau nên nhà trường cam kết không lấy tỷ lệ học sinh khá giỏi để xem xét, đánh giá giáo viên. “Chúng tôi cũng không lấy chỉ tiêu thành tích để đánh giá các lớp bởi mỗi lớp đều có sự khác biệt, hoàn cảnh khác nhau. Thay vào, sự tiến bộ của học trò và thay đổi của mỗi lớp mới là thước đo năng lực của thầy cô giáo và đó cũng là thước đo chất lượng của trường”.
Hãy “ Quản lý mà không quản lý ”, việc của nhà lãnh đạo nhất quán, đó là mang lại sự tự do, toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về công việc cho nhân viên với tinh thần tự giác cao. Ngược lại, họ luôn được Hiệu trưởng sẵn sàng hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm và cùng với với đó là sự khích lệ và động viên. Xây dựng Trường học hạnh phúc là lồng ghép vào “Chương trình giáo dục nhà trường” .
6. Tạo môi trường học đường an toàn, thân thiện cuốn hút xã hội
GS Hồ Ngọc Đại đã từng đưa ra khẩu hiệu, đó là “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Học sinh tới trường là niềm vui khi được gặp bạn bè, thày cô, được hiểu biết thêm về kiến thức và được trải nghiệm nhiều trong cuộc sống. Vì thế có thể hiểu “Mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc” là một triết lý, một cách tiếp cận Mô hình THHP. Làm sao cho CMHS cũng trở thành những thầy cô giáo của chính con em họ. Trường học của bạn là nơi thú vị đáng sống và học ở đây được nhiều điều thú vị, từ đó nó giúp chúng ta đạt được mục tiêu giáo dục cao cả của mình.
IV. TRIỂN KHAI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chủ trương của ngành giáo dục là xây dụng Mô hình: “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”, với các tiêu chí hướng tới mục tiêu giáo dục của trường là Hạnh phúc và Chất lượng.
1. Tiêu chí THHP
Công đoàn giáo dục Việt Nam đã có Hướng dẫn xây dựng Mô hình THHP, với ba nhóm tiêu chí, gồm: Môi trường nhà trường và phát triển cá nhân; Dạy và học; Các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. UNESCO đưa ra “Nhóm 3P về THHP”, gồm: Về con người (People), bao gồm các mối quan hệ có liên quan trong trường học; Về quá trình (Process), bao gồm đổi mới các phương pháp dạy học; Về địa điểm (Place), bao gồm các yếu tố về môi trường của trường học.
GS Hà Vĩnh Thọ đã nói : “ Kết nối với bản thân để hiểu mình. Kết nối với người khác để hiểu người khác và kết nối với mẹ thiên nhiên để trân trọng và giữ gìn môi trường chung chính. Đó là 3 chìa khóa mở cách cửa đến với hạnh phúc và rộng hơn là THHP”.
2. Khởi động xây dựng Mô hình THHP
2.1. Những lưu ý như là nguyên tắc
Hiệu trưởng là người khởi xướng, đam mê và thấu hiểu THHP; Tiêu chí chỉ là định hướng, có tác dụng như là tra cứu còn cách làm và hành động cụ thể sát thực với nhà trường mới là quan trọng; Không nên áp dụng mà chỉ trải nghiệm THHP từ nơi khác; Các hoạt động cần đơn giản, ít tốn kém và có kết quả thực chất, không phô trương.
2.2. Hoạt động cụ thể
Hoạt động liên quan tới tìm hiểu cuộc sống, gia cảnh của giáo viên, CMHS, học sinh và cán bộ công viên chức; Mối quan hệ, văn hóa giao tiếp giữa các thành viên trong trường và cộng đồng; Trường học dân chủ, tình thương, kỷ cương và trách nhiêm. Hoạt động liên quan tới quá trình dạy và học. Những áp lực khi dạy học; Dạy học sát khả năng mỗi học sinh; Thư viện nhà trường liên kết với dạy và học trên lớp; Tổ chức các câu lạc bộ tự quản của học sinh trong trường; Cập nhật các cá nhân dạy tốt, học tốt . Hoạt động liên quan tới môi trường học đường: an toàn, không có bạo lực học đường, vệ sinh thực phẩm, CSVC ổn định và vững chắc; Trường lớp gọn gàng, sạch sẽ, nhất là khu vệ sinh công cộng; Trồng cây xanh, nhiều hoa cuốn hút và gây cảm xúc hạnh phúc cho mọi người.
2.3. Phương pháp tổ chức hoạt động
Tổ chức đối thoại; Tìm hiểu và lắng nghe; Vận động và hiến kế; Nói đi đôi với làm; Từ điểm rồi duy trì nhân rộng; Trưng cầu, thăm dò và phản hồi dư luận. Đấy chính là đánh giá sự cảm nhận hạnh phúc của mọi người trong trường.
3. Đôi lời kết luận.
Hiệu trưởng là những nhân tố quan trọng là người truyền cảm hứng và cũng là người cầm lái “con tầu” THHP. Các thày cô phải rèn luyện và có tâm thế của người có hoài bão hạnh phúc và sẵn sàng dấn thân vì THHP.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý do hạnh phúc chúng ta không thể bắt được nó mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận được nó mà thôi . Vì thế hạnh phúc thường dễ dẫn tới liên tưởng vào các hiện tượng siêu thực. Do vậy, quan điểm hạnh phúc cần thuần túy khoa học xã hội, khoa học cảm xúc tránh lồng ghép vào các yếu tố thần học, tôn giáo hay tâm linh trong quá trình xây dựng Mô hình THHP .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đặng Tự Ân (2017). Mô hình trường học mới Việt Nam-Phương pháp giáo dục. Nxb Giáo dục.
[2]. Trish Summerfield, Frederic Labarthe and Anthony Strano, Positive Thingking (2017). Tư duy tích cực. Bản dịch củaThu Vân-Phạm thị Sen. Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí minh
-------------------------------------