Biến thách thức thành cơ hội đổi mới hoạt động giáo dục
GD&TĐ - Dịch bệnh Covid-19 đem đến biết bao khó khăn, thầy và trò đều vất vả hơn; nhưng cơ hội cũng xuất hiện từ đây. Nhiều giáo viên, trong đó có tôi thấy vững vàng, trưởng thành hơn sau thử thách mà dịch bệnh mang lại.
Học sinh Trường THPT Ân Thi học trực tuyến tại phòng máy của trường.
Đối diện với thách thức
Giai đoạn đầu khi học sinh phải tạm dừng đến trường, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến. Không ít thầy cô bị hạn chế về công nghệ và tâm lý “ngại” tiếp cận công nghệ. Chuyển đổi hình thức tổ chức dạy học buộc giáo viên phải chuyển đổi cách dạy học, nhưng vẫn phải đảm bảo là người tổ chức, tạo các tình huống học tập, học sinh là trung tâm của hoạt động dạy học.
Tôi và hơn 1.200 học sinh Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) được sinh ra tại vùng quê, nơi nghề nông là chính. Đa số học sinh thuộc gia đình thuần nông. Việc trang bị máy tính, điện thoại thông minh để cho các con học tập với mỗi gia đình là thách thức lớn, có những gia đình tới 3 con đều học trực tuyến thì càng khó khăn hơn. Trường hợp trang bị đủ phương tiện để học thì việc kiểm soát, quản lý các phương tiện đó cũng khiến phụ huynh phải đau đầu. Yếu tố sóng, mạng, đường truyền Internet cũng là những lý do việc dạy - học trực tuyến gặp khó khăn. Ý thức tự giác học tập của học sinh trong giờ học là điều khiến giáo viên trăn trở….
Kiểm tra đánh giá là một phần không thể thiếu trong quá trình dạy học. Làm thế nào thực hiện tốt công tác kiểm tra đánh giá để đạt được mục tiêu dạy học, bảo đảm được tính trung thực, khách quan và mang lại kết quả tốt. Đó cũng là thách thức chung của ngành Giáo dục, của các cấp quản lý và mỗi giáo viên.
Những hỗ trợ kịp thời
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trước thềm khai giảng năm học 2021-2022, nhiều địa phương đã quyết định chuyển sang học trực tuyến, Hưng Yên cũng nằm trong số đó. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động đã lan tỏa thông điệp về lòng nhân ái, tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, tạo cơ hội cho học sinh vùng khó khăn có cơ hội được học tập.
Tính nhân văn được lan tỏa, ngành Giáo dục cùng các cấp đã có những hỗ trợ học sinh thiết thực; một số địa phương còn quyết định miễn 100% học phí trong năm học 2021-2022.
Với Trường THPT Ân Thi, ngay từ đầu năm học 2021-2022 đã trang bị cho 70 cán bộ, giáo viên nhà trường thiết bị Webcam full HD 1080P nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh khi dạy trực tuyến. Nhà trường phủ wifi, mở phòng thực hành Tin học giúp học sinh không có thiết bị đến học; lắp đặt 5 phòng học phục vụ dạy trực tuyến với đầy đủ trang thiết bị, từ kết nối Internet, máy tính, camera, hệ thống âm thanh, micro. Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng trong đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh, là động lực để thầy trò dạy và học trực tuyến.
Có thể nói, khó khăn thách thử đã đồng thời tạo cơ hội để đội ngũ giáo viên tự nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin - kỹ năng mà khi giảng dạy trực tiếp, một số giáo viên không có nhiều thời gian để tự rèn luyện. Rồi những sự cố về mặt kỹ thuật thời gian đầu dạy học trực tuyến; những yếu tố khách quan và chủ quan có thể gây phiền hà cho giáo viên… dần được khắc phục.
Bên cạnh đó, rất kịp thời, ngày 16/9/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19. Công văn là cơ sở để các sở GD&ĐT, các nhà trường, giáo viên, học sinh có cách tiếp cận tốt nhất, bảo đảm yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục trung học. Sở GD&ĐT Hưng Yên theo đó đã ra văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT và chương trình giáo dục thường xuyên ứng phó với dịch Covid-19.
Sự tự tin, vững vàng trong những tiết dạy trực tuyến của tôi và đồng nghiệp được củng cố hơn khi ngành Giáo dục kịp thời tập huấn tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên cấp THCS, THPT.
Sau khóa tập huấn, giáo viên đã thay đổi cách thức tổ chức và phương pháp dạy học; thể hiện ở việc giảm thời gian thuyết trình bài giảng, tăng tương tác, giao nhiệm vụ cho học sinh hoàn thành dưới nhiều hình thức.
Với tinh thần tự học, tự nâng cao bồi dưỡng chuyên môn, các thầy cô sử dụng thành thạo các phầm mềm dạy học Microsoft Teams, Zoom Cloud Meeting, Google Classroom,… Ứng dụng công cụ trong dạy học để nâng cao dạy học trực tuyến như: Quizizz, Padlet, Azota, Canva,… góp phần hỗ trợ vận dụng thực tế và tóm tắt nội dung trọng tâm từng phần.
Giờ học đã thu hút sự tập trung, tích cực học tương tác và thực hiện nhiệm vụ của học sinh. Đó là động lực để giáo viên tiếp tục cống hiến với những thiết kế bài giảng điện tử vào kho học liệu số của ngành Giáo dục.
Biến thách thức thành cơ hội
Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, từ chỗ còn nhiều bỡ ngỡ, hiện cả thầy và trò đều đã thích nghi với việc tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh. Các cơ sở giáo dục đều chuẩn bị chu đáo về hạ tầng kỹ thuật, học liệu dạy học trực tuyến; lựa chọn các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên, học sinh trước khi triển khai thực hiện.
Có thể nói, khó khăn thách thử đã đồng thời tạo cơ hội để đội ngũ giáo viên tự nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin - kỹ năng mà khi giảng dạy trực tiếp, một số giáo viên không có nhiều thời gian để tự rèn luyện. Rồi những sự cố về mặt kỹ thuật thời gian đầu dạy học trực tuyến; những yếu tố khách quan và chủ quan có thể gây phiền hà cho giáo viên… dần được khắc phục.
Dạy học trực tuyến, mỗi giáo viên ngoài vai trò người thầy còn là nhà tư vấn tâm lý của học sinh. Giờ học không còn “cứng” trong 45 phút mà giáo viên linh hoạt trong các hoạt động dạy. Thầy cô cũng dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, trao đổi kỹ năng sống, phương pháp và kỹ năng học trực tuyến, sử dụng mạng xã hội… Những hoạt động này tạo môi trường giúp học sinh có cơ hội trao đổi, giải tỏa những bức xúc, dồn nén và trang bị thêm kỹ năng mềm hỗ trợ tốt nhất cho việc học.
Dạy học trực tuyến đã tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thông qua dạy học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Đây cũng là một trong những cơ hội để hình thành nhiều năng lực trong 10 năng lực cốt lõi: “Tự chủ và tự học”, “năng lực tin học”, “năng lực công nghệ”, “giải quyết vấn đề và sáng tạo” mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đưa ra.
Vũ Thị Anh - GV trường THPT Ân Thi - Hưng Yên