NHỚ THẦY PHAN CHƯỞNG
Ghi chép của Bỳ Văn Tứ
Tác giả là cựu học sinh lớp 8B của Trường cấp 3 Ân Thi ( năm học 1962-1963) và lớp 9, lớp 10 của Trường cấp 3 Phù Cừ ( năm học 1963-1964, 1964-1965).
NHỚ THẦY PHAN CHƯỞNG
Ghi chép của Bỳ Văn Tứ
Thầy Phan Chưởng
Ngày 6 tháng 9 năm 2003, thầy Lê Văn Thạc cùng hơn ba chục cựu học sinh khóa đầu tiên của Trường cấp 3 Phù Cừ về họp mặt, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập trường. Sau nghi lễ tựu trường và liên hoan với Ban Giám hiệu, thầy trò kéo nhau đến thăm gia đình thầy Phan Chưởng ở thôn Trần Xá Thượng, xã Trần Cao. Thầy Phan Chưởng là hiệu trưởng đầu tiên của Trường cấp 3 Phù Cừ. Năm 1962, thầy được Ủy ban Hành chính và Ty Giáo dục tỉnh Hưng Yên cử về làm Hiệu trưởng Trường cấp 3 Ân Thi gồm ba lớp 8, trong đó lớp 8B là lớp của học sinh huyện Phù Cừ chúng tôi. Năm 1963, Thầy Phan Chưởng lại được Ty Giáo dục giao nhiệm vụ thành lập Trường cấp 3 Phù Cừ. Thế là thầy trò dắt díu nhau về quê…
Thầy đã mất mấy năm nay. Do hoàn cảnh sinh sống mỗi người một nơi, chúng tôi không ai biết ngày tang lễ mà về viếng thầy. Bây giờ có dịp họp mặt đông đúc, mới tới viếng thầy. Đứng trước bàn thờ, lớp trưởng Nguyễn Hữu Sới thay mặt các bạn đồng môn nói lên những tình cảm biết ơn sâu nặng của lớp học trò đầu tiên của Trường cấp 3 Phù Cừ đối với thầy hiệu trưởng và gia đình. Mọi người giành một phút mặc niệm tưởng nhớ người thầy kính yêu của mình, mà trong lòng ai cũng cảm thấy ân hận, những ngấn nước mắt trên khuôn mặt những người xấp xỉ lục tuần, dạn dày phong sương. Những người đã trải qua bốn chục năm thử thách của chiến tranh, vượt qua bom đạn, chết chóc, thương tật, vật lộn với cuộc sống đời thường, canh cánh trong lòng những lời dặn dò của thầy trước lúc lên đường, rời xa mái trường, xa quê hương, gắng sức phấn đấu vươn lên với thời cuộc. Khi mới đạt được những ước nguyện khiêm tốn trên trường đời, cảm thấy xứng đáng với công lao dạy dỗ của các thầy cô năm xưa, rủ nhau về định báo cáo với thầy, thì không còn được gặp thầy nữa…
* * *
Một buổi sáng đẹp trời năm 2011, ông Vũ Danh Toàn và ông Bùi Đình Khu, một cựu học sinh lớp chín, một cựu học sinh lớp 8 khóa đầu tiên của Trường cấp 3 Phù Cừ đến thăm cụ Vũ Văn Hiểu, nguyên là cán bộ văn phòng của Trường cấp 3 Phù Cừ những ngày mới thành lập, bây giờ nghỉ hưu, ở thôn Thọ Lão. Cụ Hiểu kể lại những kỷ niệm cùng thầy Phan Chưởng làm các công việc chuẩn bị thành lập Trường cấp 3 Phù Cừ. Tuy đã ngoài tám mươi tuổi, cụ Hiểu vẫn nhanh nhẹn, tiếng sang sảng:
- “ Đầu năm 1963, ông Hoan, trưởng phòng Giáo dục huyện Phù Cừ mời tôi, lúc đó đang là giáo viên cấp 1 ở xã Quang Hưng, lên huyện làm việc. Ông Hoan cho biết, chủ trương của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho thành lập Trường cấp 3 của huyện Phù Cừ và cử ông Phan Chưởng, đang là hiệu trưởng Trường cấp 3 Ân Thi kiêm Hiệu trưởng của Trường cấp 3 mới thành lập. Ông Chưởng đề nghị Lãnh đạo huyện Phù Cừ tìm cho một cán bộ văn phòng cùng ông lo các công tác chuẩn bị thành lập trường. Ông Hoan và tôi đã quen biết nhau từ thời kháng chiến chống Pháp, khi cùng nhau hoạt động công tác bình dân học vụ và bổ túc văn hóa một thời gian khá dài ở địa phương. Thời kỳ đó, ông Chưởng là Bí thư Chi bộ Liên xã Trần Cao, Quang Hưng và Quyết Tiến. Lãnh đạo huyện có ý định điều động tôi lên làm cán bộ văn phòng của Trường cấp 3 mới thành lập, giúp đồng chí Hiệu trưởng nhà trường xúc tiến các công tác chuẩn bị cho kịp khai giảng niên khóa 1963-1964. Thú thực, lúc ấy tôi phân vân chưa dám nhận nhiệm vụ ngay, vì gia đình còn khó khăn, dạy học ở xã còn gần nhà, giúp được vợ con, chế độ của giáo viên cấp một thời đó cũng chưa có lương đủ sống. Mặt khác cũng muốn gặp trực tiếp đồng chí hiệu trưởng xem sao. Rồi một ngày giáp Tết âm lịch đầu năm 1963, Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện, Trưởng phòng Giáo dục cùng ông Chưởng và tôi gặp Chủ tịch và Bí thư xã Trần cao ở ngay văn phòng Ủy ban xã. Khi gặp tôi, ông Chưởng rất vui, gặp lại đồng chí cùng hoạt động ở địa phương khi xưa, sau một thời gian dài ông đi thoát ly lên công tác trên Ty Giáo dục. Ông Chưởng và các đồng chí lãnh đạo huyện động viên tôi cố gắng nhận nhiệm vụ mới và hứa khi ổn định được Trường cấp 3 phù Cừ thì sẽ điều động về trở lại địa phương cho gần gia đình . Mọi người bàn kế hoạch thành lập Trường cấp 3 Phù Cừ, mượn cơ sở nhà Xứ của họ đạo thôn Cao Xá làm các lớp học, vì huyện còn nghèo, không có ngân sách xây dựng trường mới. Sau đó Ủy ban Hành chính huyện ra quyết định điều động tôi lên làm cán bộ Văn phòng Trường cấp 3 Phù Cừ và còn cấp giấy giới thiệu để đi liên hệ công tác, thực hiện nhiệm vụ. Do ông Chưởng là người địa phương, lại là bí thư chi bộ cũ của xã Trần Cao, đã có liên hệ, vận động từ trước, nên công việc của tôi đi mượn nhà Xứ, nhà Mụ của họ Đạo Cao Xá làm cơ sở ban đầu cho trường rất thuận lợi. Ông Chưởng là người luôn lo công việc rất chu đáo. Dù rất bận với các công tác của hiệu trưởng Trường cấp 3 Ân Thi vừa mới thành lập, nhưng thứ bảy, chủ nhật và khi cần ông vẫn tranh thủ đạp xe về gặp tôi trao đổi công việc, nắm tình hình, giúp tôi tháo gỡ các vướng mắc, chuẩn bị cho một trường cấp 3 mới ở Phù Cừ… Tôi còn nhớ, nhà Xứ khi ấy chỉ là ngôi nhà bỏ hoang, không có nội thất gì. Huyện xin được kinh phí của Tỉnh cấp để mua gỗ về đóng bảng, bàn ghế học sinh, bàn làm việc và tủ, giường cá nhân cho giáo viên. Gỗ thì mua của Công ty Lâm Thổ sản ở cửa hàng La Tiến. Hàng tuần, tôi phải đạp xe vào Thị xã Hưng Yên hai, ba lần để giải quyết thủ tục xin lệnh cấp phát, rút tiền. Mua được gỗ rồi, phải về Ủy ban huyện xin lệnh điều động dân công nghĩa vụ xuống La Tiến, bốc gỗ qua bờ đê sông Luộc, đưa vào sông Sậy kéo về Trần Cao. Khi đoàn kéo gỗ về đến đoạn sông thuộc xã Tiên Tiến thì bị kẹt vì nước cạn, không kéo nổi nữa, đành phải nằm lại qua đêm. Tôi đạp xe về báo cáo Ủy ban huyện xin lệnh điều động thêm nhân công của xã Tiên Tiến để kéo gỗ qua đoạn sông cạn. Một mặt nhờ điện thoại của Ủy ban huyện báo cáo cho ông Chưởng đang họp ở Ty Giáo dục biết. Ông Chưởng xin phép nghỉ họp nửa chiều để về thẳng Phù Cừ chỉ đạo giải quyết tại chỗ. Trời đã tối lại thiếu phương tiện, nên đêm đó gỗ không qua được chỗ cạn. Ủy ban xã Tiên Tiến phải cử dân quân ra canh gác gỗ suốt đêm. Chúng tôi phải vào nhà dân nhờ nấu cơm và ngủ nhờ. Cả ngày hôm sau, đoàn dân công mới chuyển xong số gỗ qua đoạn sông cạn và kéo về tới Trần Cao thì đã chiều tối. Hồi đó công chỉ tính bằng điểm, cuối năm mới được Hợp tác xã nông nghiệp trả bằng thóc. Có gỗ rồi, tôi lại xin lệnh của Ủy ban huyện về xã Quang Hưng điều động hai ông thợ xẻ là ông Đặng Văn Lượng ở thôn Thọ Lão và ông Nguyễn Văn Chăn ở thôn Quang Xá lên xẻ gỗ hàng tháng trời. Tôi vào Thị xã Hưng Yên thuê tốp thợ mộc của ông Hưng về đóng bàn ghế, giường tủ. Do kích thước của các phòng học khác nhau, có loại bàn hai chỗ ngồi, có loại 3 chỗ ngồi. Suốt cả hè năm 1963, ông Chưởng và tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi giải quyết các thủ tục và mọi việc chuẩn bị cũng hoàn tất, kịp khai giảng năm học mới. Được như vậy, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Ty Giáo dục tỉnh Hưng Yên, còn được sự giúp đỡ của Huyện ủy, Ủy ban Hành chính huyện Phù Cừ, Đảng ủy, Ủy ban Hành chính, Chủ nhiệm Hợp tác xã Trần Cao. Đặc biệt có bà Lộc và nhân dân Xứ đạo thôn Cao Xá rất nhiệt tình ủng hộ thầy trò về điều kiện ăn ở, trọ học, cho cả củi đun, nước uống. Trường cấp 3 Phù Cừ khóa đầu tiên chỉ có một lớp 9 chuyển từ Ân Thi về và 3 lớp 8 là học sinh mới tốt nghiệp từ hai trường cấp hai của huyện, có bổ sung một số học sinh ở gần trường của mấy huyện xung quanh như Ân Thi, Tiên Lữ, Thanh Miện. Tổng số học sinh lúc đó khoảng 200 em. Giáo viên ban đầu, có 12 thầy cô, gồm: thầy Phan Chưởng là hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ, thầy Phạm Đình Phúng là hiệu phó, dạy chính trị; thầy Phan Trù là Thư ký Hội đồng, dậy toán, Thầy Thạc dậy Sử, Địa. Thầy Sửu, thầy Vượng dậy toán, thầy Tòng dậy Văn, cô Yến dậy Sinh vật, thầy Hanh dậy hóa, thầy Chiếm dậy thể dục, thầy Truyền dậy vật lý, thầy Hiểu dậy Trung Văn. Bếp ăn tập thể của giáo viên chưa đến mười người, ban đầu do cô Thảo ở Trần Cao làm cấp dưỡng. Được mấy tháng, cô Thảo nghỉ, lại thuê bà Do ở xã Tống Trân lên thay…”
Nghe cụ Hiểu say sưa kể lại những hồi ức của mình cùng thầy Phan Chưởng gây dựng Trường cấp 3 Phù Cừ từ hai bàn tay trắng cách đây gần năm mươi năm, các cựu học sinh cũng bồi hồi sống lại một thời học trò sôi nổi…
Trước khi chia tay, giọng cụ Hiểu hơi trầm xuống:
- “ Bây giờ ngồi nhớ lại kỷ niệm với thầy Chưởng, với Trường Cấp 3 Phù Cừ hồi đó, thế mà thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Số người đặt những “viên gạch” đầu tiên gây dựng Trường cấp 3 Phù Cừ cứ vắng dần: thầy Phan Chưởng, thầy Phạm Đình Phúng, thầy Phan Trù… Tôi là người còn may mắn sống khỏe mạnh đến bây giờ. Tôi muốn các anh cho tôi gửi lời thăm sức khỏe tới các thầy cô đang sinh sống trên các miền quê của Tổ quốc…”
Sau này, trong một dịp chuyện trò tâm tình với cụ Hiểu, tôi tò mò:
- “ Thế hệ học sinh chúng cháu hồi đó rất quí mến các thầy cô. Thầy Phan Chưởng rất nghiêm, ai cũng kính nể và có phần hơi sờ sợ mỗi khi được gặp. Có phải thầy Chưởng khó tính không? Ông thấy thế nào? “
Cụ Hiểu cười:
- “ Đúng rồi. Hồi đó, mấy khi học sinh được gặp thầy hiệu trưởng. Học sinh nào được gọi lên gặp thầy hiệu trưởng, ai mà chẳng hồi hộp! Chúng tôi sinh hoạt hàng ngày với thầy Chưởng thì thấy thầy rất tình cảm, rất chu đáo. Có việc gì là thầy giải thích rất cặn kẽ, phân tích có tình có lý. Nhiều khi thầy cũng rất thích đùa vui. Tính thầy điềm đạm mà cởi mở. Gia đình thầy Chưởng thuộc loại khá giả trong làng. Ba anh em trai đều có học và đều là giáo viên phổ thông ở địa phương. Thầy Chưởng vừa giữ được phong độ trí thức, vừa có tác phong quần chúng qua nhiều năm hoạt động cách mạng suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ và hiểm nguy trong vùng địch tạm chiếm…”
* * *
Cách đây không lâu, ông Vũ Danh Toàn cùng ông Bùi Đình Khu đến thăm bà Phan Thị Thảo, con gái đầu lòng của thầy Phan Chưởng. Bà Thảo niềm nở tiếp các học trò cũ của cha mình, bây giờ đều đã là các ông lão đầu bạc, mắt kém ở cái tuổi gần 70 cả rồi. Bà xăm xắn dẫn các ông tới gặp Bí thư Đảng ủy xã Trần Cao, vì Đảng ủy xã đang giữ hồ sơ của thầy Chưởng để làm thủ tục công nhận Cán bộ Tiền Khởi nghĩa.
Ông Khu xin chụp lại một số tư liệu của thầy hiệu trưởng năm xưa: Tháng 8 năm 1943 thầy Phan Chưởng đã là Đoàn viên thanh niên Cứu quốc, tháng 1 năm 1944 đến tháng 7 năm 1945 là cán bộ Việt Minh xây dựng cơ sở bí mật ở Trần Cao và Quang Hưng, tháng 8 năm 1945 là Chủ tịch Lâm thời xã, kiêm cán bộ Việt Minh huyện, tháng 12 năm 1946 là bí thư Chi bộ Liên xã Trần Cao, Quang Hưng, Quyết Tiến, tháng 1 năm 1947 đến tháng 12 năm 1947 là cán sự huyện ủy Phù Cừ trực tiếp Bí thư Chi bộ xã Minh Hoàng, tháng 1 năm 1948 đến tháng 12 năm 1948 là thường vụ Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu Quốc, đảng đoàn dân vận tỉnh, tháng 1 năm 1949 đến tháng 1 năm 1952 là Bí thư văn phòng kiêm cán bộ tuyên huấn, Chính trị viên Đại đội của Tỉnh đội Hưng Yên, tháng 2 năm 1952 đến tháng 9 năm 1953 về làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã kiêm Bí thư Chi bộ xã Trần Cao, từ tháng 9 năm 1953 đến tháng 12 năm 1954 là cán bộ Giáo dục huyện Phù Cừ, từ tháng 1 năm 1955 đến tháng 8 năm 1959 Phụ trách Tổ chức - Hành chính Ty Giáo dục Hưng Yên kiêm Bí thư chi bộ cơ quan, từ tháng 9 năm 1959 đến tháng 8 năm 1961 là Hiệu trưởng Trường cấp 2 Thị xã Hưng Yên, tháng 9 năm 1962 là Hiệu trưởng Trường cấp 3 Ân Thi, năm 1963 là Hiệu trưởng Trường cấp 3 Phù Cừ…
Bà Thảo tâm sự:
- “ Bố tôi khái tính lắm. Hồi còn đang công tác và cả lúc đã nghỉ hưu, ông cụ không chịu đi đòi hỏi chế độ gì cho bản thân. Ông cụ rất ghét việc phải đi cầu xin cái gì. Cả bản khai lý lịch cũng không muốn đi “xin” xác nhận của Huyện ủy và những đồng chí cùng hoạt động thời kỳ tiền khởi nghĩa. Những người cùng hoạt động khi xưa ngày một vắng dần. Cho nên thủ tục đến bây giờ vẫn chưa giải quyết xong… “
Căn nhà cấp bốn đơn sơ, nội thất giản dị của gia đình thầy Chưởng, bây giờ do bà Thảo trông nom. Căn nhà cũng bình dị, thanh tao như tính cách và cuộc đời thầy hiệu trưởng. Di sản lớn nhất của thầy để lại có lẽ là các con đã trưởng thành và nhiều thế hệ học sinh thành đạt…
* * *
Ông Trần Văn Quang - trưởng ban liên lạc của các cựu học sinh lớp tôi , hỏi thăm được biết thầy Phan Chưởng có cô con gái thứ ba là bà Phan Thị Hạnh sinh sống ở Hà Nội. Ông Quang nhờ bà Tuyến một cựu học sinh lớp 8 của Trường cấp 3 Phù Cừ khóa đầu tiên, dẫn đến thăm bà Hạnh. Gia đình bà Hạnh đang ở Quận Thanh Xuân. Khi được hỏi về đời tư của cha mình, bà Hạnh súc động kể:
- “ Bố mẹ tôi thực ra cũng như các cán bộ địa phương hồi kháng chiến chống Pháp. Bố đi thoát ly, mẹ ở nhà làm ruộng nuôi con. Hồi kháng chiến chống Pháp, cán bộ hoạt động bí mật làm gì có lương, khi hòa bình lập lại, cán bộ nhà nước lương thấp, chẳng đủ nuôi gia đình. Bố mẹ tôi lại đông con, thành thử hoàn cảnh vào loại khó khăn. May nhờ có gia đình ông bà bên nội, bên ngoại hỗ trợ nên cũng bớt chật vật. Anh chị em tôi được bố đặt tên mang ý nghĩa cuộc đời theo ước nguyện của ông: Thảo, Hiền, Hạnh, Đức, Tín, Nghĩa, Nhân, Trung. Bố bận công tác liên miên, mấy chị em bảo ban, kèm cặp, giúp đỡ nhau học tập, không muốn bố phải bận tâm nhiều. Các chị em gái thường chỉ học hết cấp hai là đi làm, hoặc đi học nghề, học trung cấp để sớm có thu nhập giúp thêm các em ăn học. Ai đi làm trước, có lương đều có trách nhiệm hỗ trợ bố mẹ để cho các em học tiếp…”
Đã lâu lắm không có dịp được ôn lại quá khứ của gia đình, của người cha đã quá cố, giọng bà Hạnh súc động và sâu lắng. Chờ bà Hạnh bớt súc động, ông Quang hỏi tiếp:
- “ Thế kỷ niệm sâu sắc nhất của bà với thầy Chưởng là gì?”
- “ Những kỷ niệm về cha tôi thì có nhiều. Song sâu sắc nhất đó là hồi còn nhỏ, tôi bị bệnh viêm khớp, đau chân không đi lại được, bố tôi lúc đó là cán bộ Ty Giáo dục Hưng Yên đã đưa tôi lên thị xã kiên trì chữa chạy hết thuốc tây đến thuốc ta. Nhờ thế mà tôi khỏi bệnh đến tận bây giờ. Bố tôi còn đưa hai cậu con trai lớn lên học ở các trường gần nơi mình công tác để có điều kiện dạy bảo, kèm cặp các con, và cũng để giảm bớt khó khăn cho mẹ tôi ở nhà. Đối với mẹ, bố luôn quan tâm, săn sóc. Khi biết mẹ ốm là tìm cách về nhà ngay, đưa đi bệnh viện chạy chữa chu đáo. Bố tôi luôn luôn là người cha mẫu mực, là tấm gương cho chị em chúng tôi noi theo.”
Cuối buổi trò chuyện, ông Quang ngắm kỹ bức ảnh của thầy Phan Chưởng mà bà Hạnh vừa đưa cho ông. Ông súc động thầm nói với thầy trong ảnh: “ Thầy kính mến, thế là trò xa thầy đã ngót nửa thế kỷ, bây giờ mới được gặp lại . Những kỷ niệm về tình cảm thầy trò trong 3 năm học cấp 3 lại hiện về. Những lời khuyên răn cuối cùng của thầy dành cho em trước lúc lên đường vào bộ đội vẫn theo em suốt cả cuộc đời. Thầy đã đi xa, song những gì thầy đã làm cho dân cho nước, cho sự nghiệp trồng người vẫn còn đó, mãi mãi vẫn sống trong lòng những người dân, những người thân trong gia đình, và trong lòng những thế hệ học trò chúng em.”
Chào vợ chồng bà Hạnh ra về, ông Quang hòa vào dòng người đang hối hả ngược xuôi ở giữa chốn đô thị mà lòng vẫn còn xốn xang nhớ thầy Phan Chưởng , thầy Hiệu trưởng đầu tiên của trường cấp 3 Ân Thi và của Trường cấp 3 Phù Cừ .
Tp Hồ Chí Minh 2011
Tác giả là cựu học sinh lớp 8B của Trường cấp 3 Ân Thi ( năm học 1962-1963) và lớp 9, lớp 10 của Trường cấp 3 Phù Cừ ( năm học 1963-1964, 1964-1965).