NHỮNG CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN
Đại tá: Nguyễn Huyến
Nguyên cán bộ Cục chính trị QK3
Nguyên lớp trưởng 10B (1964-1965)
Gần đến kỉ niệm 50 năm thành lập trường (1962-2012), là một trong những học sinh khóa đầu tiên của nhà trường, lòng chúng tôi vô cùng xúc động, muốn làm một cái gì đó hướng về nhà trường? Nhưng khóa đầu tiên chúng tôi hầu hết là những người lính, xa trường bao nhiêu năm, cũng là bấy nhiêu năm cầm súng cùng cả nước ra trận, góp phần nhỏ bé vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc, không biết nay mai về tựu trường đóng góp được gì đây? Lòng chúng tôi bồi hồi nhớ lại những ngày thành lập trường!
Hôm ấy, vào một ngày đẹp trời đầu tháng 9 – 1962, khoảng 180 học sinh của hai huyện Ân Thi, Phù Cừ và một số xã của huyện Kim Động, tập trung tại sân trường cấp II Ân Thi (Trường THCS thị trấn Ân Thi bây giờ) làm lễ khai giảng năm học mới, năm học đầu tiên của trường cấp III Ân Thi. Việc học nhờ trường cấp II Ân Thi của chúng tôi còn kéo dài hết năm lớp 9. Bắt đầu năm học lớp 10 chúng tôi mới được ra học trường mới, ngôi trường đã in đậm dấu ấn những ngày lao động vất vả, đào ao, vượt nền trường của thầy trò. Tôi còn nhớ những lúc ấy, con chim sơn ca Vũ Minh Vỹ lớp 8A thường cất tiếng hát “Em yêu chiếc máy galen”, làm rạo rực lòng người, quên hết mệt mỏi…
Nhớ lắm, những thầy cô giáo đầu tiên của nhà trường, các anh, các chị tuổi ngoài 20, hầu hết quê Hà Nội, Hải Phòng, vừa ở Đại học Sư phạm ra, bằng nhiệt huyết và tấm lòng yêu thương học sinh nhà quê vô bờ bến, đã vượt qua biết bao khó khăn để về dạy ở một ngôi trường mới và nghèo nàn về mọi mặt như trường ta. Những người thầy đáng kính như thầy Hiệu trưởng Phan Chưởng, thầy Hiệu trưởng Vũ Hiệp, thầy Giai, thầy Quang (Văn), thầy Thọ (Lý), thầy Thạc (Địa), thầy Hạnh (Sử), thầy Sự(Trung văn), thầy Đào (Thể dục),… Rồi thầy Trường (Lý), thầy Quân (Hóa), cô Mỳ (Nga), cô Trâm( Sinh vật), thầy Mẫn (Chính trị)… Đặc biệt hình ảnh cô Đỗ Thị Cầu (Giáo viên Toán, chủ nhiệm lớp 8C, 9B chúng tôi); Thầy Nguyễn Kim Côn (Tổ trưởng Văn, chủ nhiệm lớp 8A, 9A);Thầy Đặng Hữu Niệm (Tổ trưởng Toán chủ nhiệm lớp 10B); Thầy Nguyễn Hữu Đức (Giáo viên Địa, chủ nhiệm lớp 10A)… mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm, không bao giờ phai mờ trong mỗi trái tim chúng tôi. Nhớ lắm, những ngày ấy phương tiện đi lại còn khó khăn, ngoài dạy ở trường, các thầy cô còn đi bộ xuống khắp các xã trong huyện, sang cả Phù Cừ để thăm và kiểm tra việc học của chúng tôi, làm cho tình thầy trò, cả với phụ huynh học sinh càng thêm gắn bó. Cả những ngày dầm mưa dãi nắng trên cổng trường xây dựng trường bắn Tân Phúc, làm đường sắt ở ga Tuấn Lương (Văn Lâm), rồi cả những buổi dã ngoại tham quan nhà máy xay Yên Mỹ nữa chứ… Chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ và biết ơn các thầy cô!
Ngày ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu của dân tộc bắt đầu bước vào giai đoạn ác liệt, nhất là sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964), và Mỹ bắt đầu đổ quân vào Đà Nẵng (8/3/1965), nên học sinh chúng tôi cũng liên tục nhập ngũ bổ sung cho Quân đội. Riêng lớp 10B chúng tôi, sĩ số cuối năm lớp 8 là 58, đến cuối năm lớp 9 còn 35 và đến khi tốt nghiệp lớp 10 chỉ còn 32. Phần lớn số đó được bổ sung cho quân đội. Ngay cả sau khi tốt nghiệp phổ thông, 2 đợt bổ sung cho quân đội (tháng 6 và tháng 9 năm 1965), gần hết bọn còn lại chúng tôi vào quân đội, trừ một số bạn có giấy báo đi học nước ngoài như: Ngô Dương Hùng, Nguyễn Hữu Thông, Vương Dong, Phạm Quang Vinh, Nguyễn Văn Thản… Ngay cả một số chúng tôi có giấy báo vào đại học, nhưng vì thiếu quân, về địa phương giữ lại để sau khi nhập ngũ mới báo về gia đình. Song trong khí thế sục sôi chống Mỹ cứu nước, hầu hết bọn tôi chẳng ai muốn rời quân ngũ, tự hẹn với mình “Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước về trường Đại học cũng chưa muộn”. Thế là khóa đầu có lẽ tới 65-70% vào bộ đội, chỉ khoảng 15-20% vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông (vào Đại học lúc ấy không phải thi, chỉ tuyển thẳng). Và cũng đúng lời hứa danh dự, sau giải phóng Miền Nam, bằng mọi con đường, hầu hết các bạn đều trở về các Học viện, trường Đại học trong và ngoài Quân đội tiếp tục học tập, có những bạn tốt nghiệp 2, 3 trường Đại học, một số ít còn tiếp tục học lên cả thạc sĩ, tiến sĩ…
Hôm nay về tựu trường, học sinh khóa đầu tiên chúng tôi đều đã chuẩn bị bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, lòng tràn ngập niềm vui, nhưng không khỏi bùi ngùi thương xót vì điểm lại hơn 100 học sinh tựu trường ban đầu (trừ 60 học sinh Phù Cừ tách từ năm thứ 2), có tới 15 bạn vĩnh viễn không bao giờ trở lại trường. Trong số đó, hơn một nửa học sinh nằm lại ở các chiến trường, không biết giờ đây gia đình các anh có tìm được hài cốt chưa, linh hồn các anh có được siêu thoát hay còn lang thang chân trời, góc biển nào? Trong số 15 người vĩnh viễn ra đi, có người bạn thân nhất của tôi từ trường cấp II Ân Thi. Anh là Nguyễn Nghị, quê làng Anh Nhuệ(Bạch Đằng), là học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, hoàn cảnh gia đình anh cũng giống tôi: bố mất sớm, một mình mẹ phải mò cua bắt ốc nuôi 3 con ăn học. Tháng 11/1964, đang học lớp 10 anh cùng 8 bạn nhập ngũ. Rồi anh vào Đại học Kỹ Thuật Quân sự, tiếp tục sang Liên Xô làm luận án Phó tiến sĩ. Về nước làm giáo viên rồi được phong thượng tá, phó trưởng khoa Hữu tuyến điện Đại học Kĩ thuật Quân sự. Thật không may anh đã ra đi trong 1 vụ tai nạn giao thông rất thương tâm ở cầu Bần chiều ngày 18 tháng chạp năm 1997, trong lúc tương lai của anh và hạnh phúc gia đình anh tràn đầy hứa hẹn.
Mang trong mình vinh dự và trách nhiệm là học sinh khóa đầu, nên mọi người chúng tôi luôn động viên nhau hãy xứng đáng là những cánh chim đầu đàn của nhà trường: Trong số 65-70% học sinh khóa đầu vào quân đội, hầu hết các anh đều phấn đấu trở thành cán bộ trung cao cấp, một số được phong hàm Đại tá như các anh: Nguyễn Quốc Nhường, Nguyễn Huyến, Trương Minh Sỹ, Nguyễn Đức Miên, Nguyễn Ngọc Láng…. Anh Trần Quang Nhiếp được phong hàm giáo sư, tiến sĩ, phó tổng biên tập tạp chí Cộng sản. Anh Nguyễn Nhã, một học sinh giỏi văn bảo vệ luận án Phó tiến sĩ ở Liên Xô, nguyên tỉnh ủy viên, giám đốc Sở văn hóa thông tin Hải Hưng, nguyên cục trưởng cục xuất bản. Anh Đoàn Đình Ấm, quê ở Quảng Lãng, bố mẹ mất sớm, bà nội nuôi 2 anh em trong hoàn cảnh rất khó khăn, là học sinh giỏi toàn diện, tốt nghiệp phổ thông vào thành niên xung phong rồi phấn đấu trở thành Giám đốc Sở Công nghiệp Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh Nguyễn Nghiễm, cũng quê ở Quảng Lãng, tốt nghiệp phổ thông trở thành chiến sĩ cao xạ, từ 1970-1975 tham gia chiến đấu ở chiến trường Long An, rồi chuyển ngành tham gia tỉnh ủy Bình Phước, phó chủ nhiệm kiểm tra ủy tỉnh ủy, phó Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Bình Phước. Anh Vũ Minh Vỹ, cũng là học sinh giỏi toàn diện, tốt nghiệp phổ thông vào quân đội, tham gia đoàn văn công Trường Sơn, hòa bình lập lại về học và tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ âm nhạc. Anh cũng là trưởng đoàn văn công QK3, trưởng đoàn ca múa nhạc Hà Nam Ninh, nguyên Giám đốc nhà hát thực nghiệm, chủ nhiệm khoa âm nhạc trường Cao đẳng múa Việt Nam. Các anh Đoàn Khắc Bản, Bí thư huyện ủy, Nguyễn Mạnh Đạt, Phó bí thư Huyện ủy Ân Thi hàng chục năm. Anh Nguyễn Duyên Cơ cũng từng là Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (Nam Ân Thi) gần 20 năm (1987-2006)… và hàng chục các anh, các chị khác trên mọi cương vị công tác, trên các nẻo đường của Tổ quốc đều đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!
50 năm được về tựu trường, những cánh chim đầu đàn chúng tôi, một lần nữa xin gửi tấm lòng thành kính dâng lên các thầy, các cô, nhất là các thầy cô đã trực tiếp dạy dỗ chúng tôi 3 năm (1962-1965). Tuy xa các thầy, các cô đã 47 năm, nhưng chắc chắn trong trái tim của mỗi chúng tôi luôn hướng về các thầy, các cô, nhất là sắp đến ngày Hiến chương các Nhà giáo (20/11). Xin kính chúc các thầy, cô luôn mạnh khỏe và hạnh phúc! Xin cảm ơn Ban Giám hiệu đương chức, nhất là Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Thắng đã sớm có ý định và quyết tâm phối hợp các cấp, các ngành, các thế hệ thầy trò, phát huy sức mạnh tổng hợp để có buổi tựu trường hôm nay.
Viết đến đây, bất giác tôi nhớ 4 câu thơ của nhà thơ Phạm Khắc Lãm: “ Công danh như phù vân/Phú quý tựa lông hồng/Giữ bạn bè đồng nghiệp/Quý nhất ở tấm lòng”.
Vâng! Mọi danh vọng, giầu sang, phú quý rồi sẽ về với cát bụi, chỉ có tấm lòng, tình thầy trò, bạn bè là mãi mãi còn lại trong trái tim, khối óc của mỗi chúng ta./.