Công nghệ đồng hành cùng nhà giáo: Hút học sinh trong từng giờ học
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của cô Vũ Thị Anh - giáo viên trường THPT Ân Thi, đăng trên báo Giáo dục và thời đại ngày 13/9/2021, chia sẻ về một số phương pháp, kỹ thuật dạy học thu hút học sinh trong dạy học online do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nhà trường nhanh chóng chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến.
Theo đó, các giáo viên cũng phải thay đổi để đáp ứng tình hình và đặc biệt để “giữ chân” học sinh ở lại trong mỗi giờ học.
Xây dựng kỷ luật của lớp học trực tuyến
Kỷ luật là yếu tố đầu tiên tạo nên một giờ học nghiêm túc. Bởi vậy, trong mỗi tiết dạy của mình, giáo viên cần đặt ra nội quy học tập cho HS thực hiện. Một vài nội quy cần được cô trò thực hiện nghiêm ngặt, chẳng hạn: HS phải vào học đúng giờ theo thời gian biểu; trang phục khi học đúng quy định của nhà trường. Trước mỗi giờ học, giáo viên sẽ điểm danh kiểm diện, cuối giờ điểm danh chốt sổ theo dõi. Việc điểm danh có thể linh hoạt trong tiết học khi giáo viên gọi HS trả lời câu hỏi. Trong suốt quá trình học, giáo viên yêu cầu HS bật camera...
Xây dựng kế hoạch và thiết kế bài dạy trực tuyến
Việc dạy học trực tuyến cần soạn giảng công phu, chi tiết, cẩn trọng và đặc biệt phải ngắn gọn, súc tích, chính xác, chứa đựng đầy đủ thông tin cần truyền đạt tới HS.
Kế hoạch bài dạy (giáo án) cần có cấu trúc mạch lạc và có mạch liên kết với nhau để khi dạy HS dễ dàng tiếp nhận, hiểu bài. Nội dung kiến thức bài học nên ngắn gọn, trọng tâm, hài hòa màu sắc, font chữ, cỡ chữ…, sử dụng các biểu tượng, hình ảnh giúp HS dễ thu nhận kiến thức hơn. Trong quá trình xây dựng bài giảng, giáo viên cũng nên tính toán về thời lượng, vì học online nếu kéo dài thời gian ngồi trước máy tính, HS sẽ dễ mệt mỏi, gây tình trạng chán học. Giáo viên có thể lựa chọn một số ứng dụng dạy học trực tuyến với tiêu chí dễ sử dụng, chất lượng cao, giá thành hợp lý (ví dụ: Microsoft Teams, Zoom, Google Meeting...).
Đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học
Dạy học trực tuyến, đa số giáo viên chọn phương pháp thuyết trình vì đây là phương pháp dễ thực hiện nhất. Nhưng nếu giờ học nào HS cũng học theo phương pháp đó dễ dẫn đến mệt mỏi, không muốn học. Nhất là với môn Lịch sử, nhiều nội dung, sự kiện, HS rất sợ vì phải ghi nhớ nhiều.
Có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm về việc đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học trong dạy học trực tuyến môn Lịch sử đã áp dụng để chúng ta cùng tham khảo:
Thứ nhất: Sử dụng phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề. Ví dụ, khi dạy bài 21: “Xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954 - 1965)”, giáo viên chiếu slide mục III.2 “Phong trào “Đồng khởi” (1959 - 1960)”.
Sau đó, yêu cầu HS lắng nghe và trả lời 2 câu hỏi: Nộ dung em vừa nghe nói về tổ chức chính trị nào ra đời trong phong trào Đồng Khởi? Vai trò của mặt trận đó đối với cách mạng miền Nam Việt Nam? Trả lời những câu hỏi trên, HS có thể hiểu được cách mạng miền Nam từ đây do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lãnh đạo, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân miền Nam.
Sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm tăng sự tương tác giữa HS và giáo viên, như: Thiết kế các minigame (ví dụ: Ô chữ, “Ai là triệu phú”, lật hình đoán chữ, thi tranh biện...); sử dụng phiếu học tập, xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm đa dạng...
Đầu tư cho giờ dạy học
Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học: Sử dụng PowerPoint, Mindmap, các phần mềm thiết kế đồ họa (ví dụ: Canva, Adobe...), các phần mềm thiết kế - chỉnh sửa video... để xây dựng bài dạy, tạo các video, các profile... hỗ trợ bài giảng thêm sinh động. Có thể hướng dẫn HS thực hiện các nhiệm vụ/ dự án nhỏ và yêu cầu các em báo cáo trong giờ học.
Việc biến nội dung trong sách thành sơ đồ tư duy (Mindmap) theo chủ đề cho HS là phương pháp dạy học chú trọng đến việc ghi nhớ, dạy cách học, tự tìm tòi, mở rộng kiến thức, phát huy khả năng sáng tạo và năng lực tư duy cho HS mà trong mỗi tiết dạy trực tuyến giáo viên nên sử dụng.
Với nội dung ôn tập, sơ kết, giáo viên có thể tổ chức cho HS tóm tắt các sự kiện lịch sử thành timeline (dòng thời gian). Với cách thức này, HS tổng kết được kiến thức học tập trong một bài, một chương, một chuyên đề.
Ngoài ra, để tạo không khí thư giãn trong giờ học trực tuyến, có thể tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường sự tương tác với học trò như thiết kế các minigame; sử dụng phiếu bài tập; chiếu các đoạn video clip ngắn, yêu cầu HS theo dõi video phát hiện nội dung liên quan đến bài học hoặc cho HS nhắc lại thông tin quan trọng hay bình luận nội dung kiến thức vừa học...
Động viên, khích lệ HS bằng lời khen, điểm số, tặng sách (khi đi học trực tiếp trở lại...). Nếu một đứa trẻ nói rằng, con không giỏi điều gì đó, hãy nói với chúng: “Con hoàn toàn có thể”, “thật khó để làm điều đó ngay bây giờ, nhưng chắc chắn con có thể học cách để làm được điều này đúng hạn nếu con chăm chú, nghiêm túc”.
Hướng dẫn HS tự học: Giáo viên giới thiệu cho HS các link web/ link bài giảng hữu ích để có thể tìm tòi, mở rộng...; yêu cầu HS tự đặt ít nhất 3 câu hỏi cho giáo viên trước mỗi bài học (khuyến khích những câu hỏi hay)... Những giờ học cuốn hút sẽ trở thành vắc-xin tinh thần, đưa thầy cô và học trò đi qua những ngày đại dịch với niềm vui, sự hứng thú.
Cô Vũ Thị Anh là đại biểu ưu tú tỉnh Hưng Yên tham dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020. Không chỉ là giáo viên giỏi, có nhiều HS giỏi cấp tỉnh, quốc gia môn Lịch sử, trong 15 năm dạy học, cô Vũ Thị Anh còn có nhiều bài báo khoa học; hàng loạt sáng kiến cấp cơ sở, cấp tỉnh được ghi nhận.